Việc vui chơi ngoài trời không chỉ giúp bé phát triển tốt hơn về thể chất mà còn kích thích khả năng sáng tạo, trí thông minh của trẻ.
Không sai chút nào nếu nói rằng sân chơi ngoài trời chính là ngôi trường thú vị dạy cho bé bao nhiêu điều bổ ích. Được cha mẹ cho ra ngoài chơi đùa, trẻ không chỉ vui mà còn nhận được bao nhiêu là lợi ích.
Dưới đây là 6 lý do giải thích vì sao cha mẹ nên cho trẻ vui chơi ngoài trời thường xuyên:
Tăng cường sức khỏe
Nhiều cha mẹ than phiền rằng bé con nhà mình rất dễ mắc các bệnh theo mùa dù luôn được sống trong môi trường “vô trùng”. Thế nhưng, nếu bé được bảo bọc quá kỹ, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì sẽ dần mất đi sức đề kháng, khả năng mắc bệnh theo mùa là rất cao.
Giảm cận thị
Các chuyên gia nhãn khoa chỉ ra rằng, nguyên nhân chính gây cận thị ở trẻ không phải do di truyền mà phần lớn do tác động của môi trường sinh hoạt. Do vậy, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho trẻ vui chơi, hoạt động ngoài trời hơn thay vì dỗ bé ngoan bằng các trò chơi điện tử hay các bộ phim.
Giải tỏa căng thẳng
Nếu như cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng với công việc hàng ngày ở văn phòng thì trẻ cũng có thể bị stress với lịch học dày đặc của mình. Cách tốt nhất giúp trẻ lấy lại hứng khởi là cho bé ra ngoài vui chơi, đi picnic, cắm trại cùng các bạn. Đừng bỏ lỡ bất cứ hoạt động cắm trại nào trong mùa hè này để bé có thể thoải mái chơi đùa.
Trẻ bạo dạn, tự tin hơn
Cha mẹ đừng giữ con khư khư trong những khoảng không gian quen thuộc của nhà ở, lớp học… mà hãy cho bé ra ngoài vui chơi đế bé được tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn nữa nhé!
Giúp trẻ có hành vi tốt
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những trẻ có ít nhất 30 phút vui chơi ngoài thiên nhiên mỗi ngày thường có những hành vi tốt hơn ở trường. Hãy để thiên nhiên và môi trường bên ngoài giúp trẻ có được những bài học quý giá!
Kích thích khả năng sáng tạo
Được tự do vui chơi giữa thiên nhiên xanh tươi và khám phá thế giới sống động bên ngoài, trí não trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Càng được khám phá vạn vận, thế giới quan cũng như vốn kiến thức của bé sẽ càng được mở rộng.
Nguồn: Tri thức Trẻ