Là cha mẹ, chắc rằng ai cũng mong con mình biết tự lập khi lớn lên. Đúng như nhiều người thường nói “dạy con biết tự lập là nhiệm vụ của cha mẹ”, cha mẹ có vai trò hết sức quan trọng vì cha mẹ chính là người nuôi nấng và diu dắt trẻ vào đời. Vậy cha mẹ cần làm gì để có thể giúp con hình thành tính tự lập, và tính tự lập của trẻ nhỏ bắt đầu được hình thành từ khi nào?
Trẻ bắt đầu hình thành tính tự lập từ khi nào?
Khi được khoảng 2 tuổi, trẻ nhỏ bắt đầu hình thành cái tôi và thường hay phản đối mọi thứ “Không! Ứ đâu!”. Nói cách khác, đây chính là giai đoạn trẻ biết bày tỏ quan điểm cá nhân và bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài. Lớn hơn chút nữa, trẻ bắt đầu đòi tự mình làm những việc mà trước đây trẻ thường được cha mẹ làm giúp “Con làm cơ!”. Kể từ thời kỳ này, tính tự lập của trẻ bắt đầu dần được hình thành.
Tự lập và bướng bỉnh khác nhau như thế nào?
Dù vậy, khi con nói “Con làm cơ!”, các bậc phụ huynh có thể cảm thấy con mình thật bướng bỉnh làm sao. Nhìn chung, tương đối khó để có thể phân biệt được trẻ nhỏ đang “tự lập” hay chỉ đơn thuần là trẻ “bướng bỉnh”.
Vậy điểm khác nhau giữa “tự lập” và “bướng bỉnh” là gì?
- “Bướng bỉnh” là không nghĩ đến cảm xúc của đối phương và bắt đối phương phải theo mong muốn của mình để đạt được điều mình muốn.
- Còn “tự lập” là biết nghĩ đến cảm xúc của đối phương, chủ động suy nghĩ xem bản thân cần làm gì và tự mình thực hiện điều đó.
Nếu con bạn đòi “Ứ đâu, con tự mặc cơ!”, “Ứ, tự xúc măm cơ!” thì đây chính là cơ hội để bạn dạy bé tính tự lập. Tùy theo cách bạn xử lý tình huống mà bạn có thể giúp con mình trở nên tự lập hơn đấy.
Điều cha mẹ có thể làm để nâng cao tính tự lập của con mình
- Không làm hộ con
Khi con muốn được tự làm, dù để cho con làm nhưng nhiều bậc phụ huynh lại làm luôn cho con mỗi khi thấy con lóng ngóng không làm được và cho rằng thà mình tự làm còn nhanh hơn mà chẳng hề để ý đến tâm trạng của con. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đang khiến trẻ hiểu rằng “Mẹ chẳng thể trông cậy gì vào con đâu cho nên mẹ làm luôn cho con đấy nhé”. Và điều này khiến cho trẻ vừa mới định làm thì đã bị bạn dập tắt hứng thú. Do đó, đối với những việc mà con bạn có thể làm được, bạn nên cố gắng để cho bé tự làm.
- Không “đi trước dọn đường” cho con
Nếu cha mẹ tự mình làm sẵn các việc mà con không làm được hay bảo cho con biết trước phương án giải quyết ngay từ đầu thì trẻ sẽ không thể phát huy được khả năng tư duy của mình. Để nuôi dưỡng khả năng tư duy của trẻ nhỏ, việc giao cho bé cơ hội tự mình suy nghĩ là rất quan trọng. Việc tự mình suy nghĩ và hành động là một bước để tiến tới việc tự lập.
- Hãy để cho con được thử sức với mọi thứ
Khi thấy con muốn tự mình thử sức và tự làm một thứ gì đó, dù con không làm tốt thì trước hết bạn cũng nên cho con thử sức. Bằng cách này con sẽ biết cách tự suy nghĩ xem nên làm như thế nào sẽ tốt hơn. Nhiều lúc có thể bạn sẽ cảm thấy sốt ruột và lo lắng nhưng con sẽ trưởng thành hơn nếu bạn tin tưởng vào năng lực cũng như khả năng của bé.
- Không chê bai các ý tưởng của con
Đôi lúc trong đầu trẻ nhỏ thường nảy sinh những ý tưởng mà người lớn chúng ta chẳng hề nghĩ ra được. Lúc này, bạn không nên dập tắt ý tưởng của con “Việc đó làm thế nào được”, mà nên đón nhận những ý tưởng đó với lối suy nghĩ “Cách nghĩ này của bọn trẻ cũng hay ho ra phết”.
- Đặt ra mục tiêu
Việc đặt ra mục tiêu cũng rất tốt trong việc giúp trẻ nhỏ rèn luyện được tính tự lập. Những mục tiêu này cần được đề ra một cách cụ thể như làm việc gì, đến khi nào thì phải làm xong… vì điều này sẽ giúp cho các mục tiêu trở nên dễ thực hiện hơn. Ban đầu, bạn có thể cùng con suy nghĩ xem nên đặt mục tiêu như thế nào. Bạn nên hỏi con “Theo con, nên làm gì để làm được điều này?” và chỉ đưa ra một số gợi ý rất nhỏ để khơi dậy khả năng suy nghĩ của con. Sau đó, dần dần giảm dần số lần bạn giúp đỡ con. Bằng cách này, dần dần bé sẽ có thể làm được nhiều việc mà trước đây bé không làm được.
Bằng cách trò chuyện và dạy bảo con một cách khéo léo, bạn có thể biến mong muốn được tự mình làm mọi thứ của bé thành “tính tự lập” thay vì “tính bướng bỉnh” và giúp con phát triển tính tự lập của bản thân mình.
Nguồn: world-mommy