Bên cạnh những bài học về tự lập, tự tin, sống có trách nhiệm…thì dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác cũng rất quan trọng cho hành trình phát triển sau này của trẻ.
Nhưng nhiều bố mẹ băn khoăn rằng, làm thế nào để dạy con luôn tràn đầy tình yêu và lòng tốt?
1. Nói về cảm xúc:
Cha mẹ nên dạy trẻ về cảm xúc nhiều như khi chúng ta dạy con về màu sắc và con số. Bạn sẽ thấy nhiều bố mẹ tận dụng mọi cơ hội để hỏi con như: “Chiếc xe trên đường kia màu gì?”, “Xe này mang biển số gì?”, “Có bao nhiêu quả trứng trong khay này?”. Tương tự, bạn cũng có thể thực hành với những câu hỏi về cảm xúc như: “Con thấy chú đang ngồi trên xe kia không? Chú ấy trông vui hay buồn?”.
Một khi trẻ có ý thức tốt hơn về cảm xúc và biết gọi tên cảm xúc của mình thì có thể hiểu được tâm trạng, quan điểm tình cảm của người khác.
2.Sử dụng phương tiện truyền thông là một lợi thế
Xem Ti vi hoặc đọc sách cùng nhau là một cơ hội để trau dồi sự đồng cảm.. Thảo luận cùng con về các nhân vật có sự đồng cảm, cảm giác của các nhân vậy khi bị tổn thương. Đó cũng là một cách tuyệt vời để dạy trẻ về sự quan tâm cảm xúc của những người xung quanh.
3. Bố mẹ chính là tấm gương
Trẻ luôn học hỏi từ mọi hành động của bố mẹ chúng, vì vậy bố mẹ làm mẫu về sự đồng cảm là một bài học rất thực tế với trẻ.
Những đứa trẻ thông minh và tinh tế hơn những gì bạn nghĩ. Bạn có thể nói, “Hãy chú ý đến cảm xúc của người khác”, nhưng nếu đứa trẻ không nhận thức hoặc chứng kiến bạn chú ý đến cảm xúc của mọi người, thì chúng không nhất thiết phải làm theo.
Việc sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt cảm xúc rất quan trọng. Bạn có thể nói với trẻ rằng, “Hôm nay bố/mẹ rất buồn. Con có muốn làm gì để an ủi bố/mẹ không?”
Khi trẻ thể hiện sự đồng cảm với bạn, bạn cũng cần làm điều tương tự với trẻ. Ví dụ như trong những trường hợp trẻ mắc lỗi, hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu nguyên nhân, và thông cảm cho những lý luận của trẻ.
4. Công nhận hành vi tốt của trẻ
Cha mẹ luôn luôn khen ngợi trẻ về điểm số mà chúng đạt được hoặc cách chúng làm bài kiểm tra. Nhưng bạn có thể tăng cường sự đồng cảm của con bằng cách khen ngợi những hành vi tốt ở trẻ. Mỗi khi thấy trẻ có những việc tử tế, quan tâm thì hãy dành ra một chút thời gian để thừa nhận, khen ngợi điều đó.
Bạn có thể nói: “Ôi, thật tốt khi con đã dừng lại để giúp đỡ cậu bé đó. Con có thể đang khiến bạn ấy rất hạnh phúc đấy”.
5. Cho trẻ trải nghiệm
Cha mẹ phải giúp con cái lớn lên và phát triển trong một xã hội đa dạng thông qua giáo dục và tiếp xúc với những người khác, dù là về mặt văn hóa, dân tộc, tôn giáo, về ngoại hình, người có khả năng đặc biệt hoặc khuyết tật.
Có nhiều cách để đưa con bạn đến với sự đa dạng của thế giới – như đọc sách, xem một số bộ phim và chương trình TV, ăn tại nhà hàng với các món ăn khác nhau, tham quan bảo tàng, tình nguyện cộng đồng…
Chúng ta cũng nên loại bỏ những câu chuyện, trò chơi về phân biệt chủng tộc, văn hóa, con người trong gia đình để hạn chế việc đánh giá và chế nhiễu người khác.
6. Thừa nhận sai lầm của mình
Ví dụ, nếu bạn phạm sai lầm và cư xử thô lỗ đối với người thu ngân tại cửa hàng, bạn nên thừa nhận sai lầm đó với trẻ. Sau khoảnh khắc tồi tệ, bố mẹ có thể nói điều gì đó như, “Ồ, mẹ nghĩ chắc cô ấy cũng đang bận rộn lắm, mẹ nghĩ mình nên thông cảm với cô ấy hơn.”
Công nhận và nói về những thiếu sót của chính bạn trong sự đồng cảm với những đứa trẻ để con hiểu rằng, trong quá trình học hỏi về lòng tốt và sự quan tâm đôi khi chúng ta vẫn mắc sai lầm. Điều quan trọng sau mỗi sai lầm là chúng ra nhận ra nó và sửa chữa nó.
7. Làm cho lòng tốt trở thành một hoạt động gia đình
Các gia đình có thể ưu tiên sự tử tế với những thói quen nhỏ như dành thời gian vào bữa tối để vừa ăn vừa chia sẻ những câu chuyện tử tế mà họ đã làm trong ngày, hoặc chơi những trò chơi theo nhóm để học cách hòa đồng với mọi người.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập những quy tắc cụ thể cho cả gia đình như:
Chúng ta thể hiện lòng tốt thông qua lời nói yêu thương và hành động tử tế.
Chúng ta sẽ nói “xin lỗi” khi chúng ta làm tổn thương đến ai đó…
Việc xây dựng quy tắc trong gia đình một lần nữa nhắc nhở cho trẻ hiểu sự quan tâm cần duy trì hàng ngày, trước tiên là ở ngay trong gia đình mình.
Ngay cả những sự việc giận dữ, bạo lực, hành vi xấu xảy ra xung quanh chúng ta nhưng vẫn có nhiều người tốt, nhiều hành động tử tế. Chúng ta nên chỉ ra những điều này cho trẻ để con luôn lạc quan và có động lực học hỏi, thể hiện lòng tốt, sự quan tâm đến mọi người.
Nguồn: Sưu Tầm.