Từ 1-5 tuổi là giai đoạn quan trọng để giúp trẻ phát triển trí não cũng như khả năng ghi nhớ. Việc rèn luyện ngay từ những năm tháng đầu đời sẽ giúp trẻ có nền tảng tốt trong việc học tập và tiếp thu kiến thức sau này.
Không thể phủ nhận việc một số người có khả năng ghi nhớ bẩm sinh rất tốt. Tuy vậy, trí nhớ là điều hoàn toàn có thể rèn luyện ngay từ khi còn rất nhỏ. 1-5 tuổi là thời kỳ quan trọng để bố mẹ giúp trẻ rèn luyện trí nhớ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều dưới đây.
Rèn luyện trí nhớ từ nhỏ giúp trẻ có nền tảng tốt trong học tập về sau
Thời điểm
Thời điểm tốt nhất để trẻ thực hành những bài tập ghi nhớ là vào buổi sáng sớm hoặc trước giờ đi ngủ. Điều này chỉ mang tính tương đối bởi khả năng ghi nhớ còn phụ thuộc vào tâm trạng và sự hứng thú của trẻ. Từ 1-5 tuổi trẻ còn quá nhỏ nên tốt nhất bố mẹ nên chọn lúc trẻ có tâm trạng thoải mái và vui vẻ nhất.
Ngoài ra, hãy cố gắng quan sát và phát hiện ra điểm mà trẻ hứng thú. Chẳng hạn có trẻ thích quan sát và ghi nhớ hình ảnh, có trẻ lại có sở trường ghi nhớ tốt về âm thanh, lời bài hát. Bố mẹ hãy đồng thời rèn luyện trí nhớ cho trẻ bằng nhiều phương pháp và hình thức khác nhau sẽ giúp não bộ của trẻ phát triển toàn diện và hiệu quả.
Thời gian đầu trẻ rất lơ đãng nên bố mẹ cần thật kiên nhẫn
Thời gian
Khả năng tập trung của trẻ khả ngắn nên cũng rất dễ ảnh hưởng đến việc rèn luyện ghi nhớ. Bên cạnh việc tạo điều kiện môi trường học tập yên tĩnh, hạn chế sự phân tán của trẻ, bố mẹ cũng ko nên cưỡng ép bắt trẻ phải ghi nhớ kiểu “nhồi sọ”, sẽ làm trẻ nảy sinh tâm lý chán ghét và chống đối, rất khó để xóa bỏ.
Việc rèn luyện trí nhớ của trẻ đồng nghĩa với việc rèn khả năng nhẫn nại, kiên trì của bố mẹ. Thời gian đầu có thể trẻ sẽ rất lơ đãng, không chịu hợp tác song nếu bố mẹ nản lòng, trẻ sẽ không được rèn luyện sớm và mất đi một cơ hội khởi đầu tốt.
Lặp lại thường xuyên là cách đơn giản nhất giúp trẻ ghi nhớ
Một số gợi ý giúp rèn luyện trí nhớ ở trẻ
1. Lặp lại thường xuyên
Khi muốn trẻ ghi nhớ điều gì, cách đơn giản nhất là bố mẹ giúp bé lặp đi lặp lại thường xuyên điều đó. Vào độ tuổi học nói, trong các sinh hoạt hằng ngày, mẹ chỉ cần thường xuyên chỉ vào vật dụng và gọi tên chúng để bé có thể ghi nhớ tốt hơn. Mẹ cũng có thể đưa bé vào các câu chuyện, đố vui, trò chơi để tạo hứng khởi hơn cho con.
2. Lời thơ bài hát
Trẻ thường có xu hướng ghi nhớ rất tốt những bài thơ hoặc bài hát. Cách này vừa giúp việc ghi nhớ giống như một trò chơi và kích thích vùng não ghi nhớ ở bé mà không phải cố gắng quá nhiều.
Quan sát và học ngoại ngữ giúp ích cho khả năng ghi nhớ của trẻ
3. Kỹ năng quan sát
Quan sát tốt là tiền đề để bé có thể ghi nhớ tốt. Vì thế mỗi khi có điệu kiện, hãy giúp bé tập quan sát và nhận thức các đồ vật, cảnh vật và con người xung quanh. Hãy hỏi con đã thấy những gì và khuyến khích trẻ kể lại càng nhiều càng tốt. Cách làm này rất phù hợp khi bố mẹ đưa trẻ đi công viên, sở thú, các khu vui chơi… Đây cũng là cách giúp bé lưu giữ cho mình những kỷ niệm đẹp.
4. Học tiếng nước ngoài
Trẻ càng được tiếp xúc sớm với ngoại ngữ, khả năng thành thạo tiếng của trẻ sau này càng cao. Ngôn ngữ của trẻ dưới 3 tuổi được xem là tiềm tài, rất dễ tiếp thu và ghi nhớ tốt như những trẻ em bản xứ. Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ nên cho bé nghe các ca khúc thiếu nhi nước ngoài, xem các bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh. Điều này sẽ giúp bé làm quen với ngoại ngữ một cách tự nhiên nhất./.