Các ông bố bà mẹ thường mong muốn con mình phải xin lỗi đàng hoàng khi con làm sai một chuyện nào đó. Thế nhưng, nhiều khi dù đã xin lỗi nhưng sau đó con lại coi như không có chuyện gì xảy ra và lại chứng nào tật nấy. Chắc hẳn lúc này các bậc phụ huynh sẽ nghĩ rằng “Có thật sự là con đang hối lỗi không?” hay “Liệu lời xin lỗi có phải chỉ là câu cửa miệng của con?”…
Vậy phải làm thế nào để con hiểu rõ rằng “phải xin lỗi khi làm sai”?
Những trường hợp mà lời xin lỗi chỉ là câu cửa miệng của trẻ
Xin lỗi nhưng vẫn chứng nào tật nấy
Có lúc vừa mới xin lỗi xong, con đã lại chứng nào tật nấy. Chắc hẳn lúc này cha mẹ sẽ cảm thấy lời xin lỗi chỉ là câu cửa miệng của con và không cảm thấy con đang thật lòng hối lỗi, kiểm điểm bản thân. Đối với trường hợp này, có lẽ là do trẻ vẫn chưa hiểu được việc làm đó của mình là không đúng.
Tạm thời xin lỗi để cho qua lúc đó
Lại có lúc con chỉ xin lỗi để cho qua lúc đó vì sợ bị mẹ mắng, sợ mẹ nổi cáu với mình. Có thể nói đây là mẹo của trẻ để bản thân không bị mẹ mắng.
Xin lỗi để lấy lòng cha mẹ
Cũng có khi trẻ nhìn thái độ và sắc mặt của cha mẹ rồi xin lỗi để cha mẹ vui lòng. Dù bản thân trẻ không làm việc xấu nhưng trẻ vẫn xin lỗi vì sợ ảnh hưởng đến tâm trạng của cha mẹ. Nếu trẻ luôn cảm thấy căng thẳng và lo lắng không biết lúc nào mẹ lại nổi cáu với mình và thể hiện vẻ ngoài sợ sệt thì có nghĩa là việc bị cha mẹ mắng khiến trẻ trở nên stress.
Khi bị cha mẹ bắt ép phải xin lỗi
Khi bị cha mẹ bắt ép phải xin lỗi “Sao còn chưa xin lỗi?” thì trẻ chỉ còn cách làm theo, tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ thực sự muốn xin lỗi. Nếu bạn bắt ép con mình phải xin lỗi thì bé sẽ mất đi cơ hội tự mình suy nghĩ và kiểm điểm bản thân “Tại sao mình lại phải xin lỗi?”, “Mình đã làm việc gì sai?”…
Vậy phải làm thế nào để trẻ hiểu rõ rằng mình đã làm sai?
Cách giúp trẻ hiểu rõ việc mình đã làm sai
Trước tiên, hãy lắng nghe trẻ trình bày
Nếu bạn không nghe con trình bày mà đã mắng con ngay “Mẹ bảo thế nào? Mẹ bảo không được làm cơ mà?!”, “Sao còn chưa xin lỗi?” thì con bạn sẽ không biết rằng bé phải tự hối lỗi và kiểm điểm bản thân. Bởi vậy, trước hết, hãy thử lắng nghe con trình bày xem chuyện gì đã xảy ra và tại sao con lại làm việc đó… Khi cha mẹ lắng nghe con trình bày và con cũng bình tĩnh trở lại thì con sẽ dễ dàng tiếp nhận lời nói của cha mẹ hơn.
Nói cho con hiểu một cách ngắn gọn bằng từ ngữ dễ hiểu
Do trẻ nhỏ vẫn chưa thể phân biệt được đâu là việc tốt và đâu là việc xấu nên cha mẹ cần nói cho con biết bản thân con đã làm sai điều gì.
Lúc này, bạn nên nói với con một cách ngắn gọn bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Cách hiệu quả nhất là nói cho con biết bạn cảm thấy như thế nào về hành động đó của bé. Hãy nói cho con hiểu tâm trạng của bạn, chẳng hạn như “Nếu con đánh mẹ thì mẹ sẽ đau lắm đấy” hoặc “Con mà bảo mẹ ngu sẽ khiến mẹ đau lòng lắm đấy, con biết không?”… Bằng cách này, con có thể hiểu được rằng “Mình đã làm đau mẹ”, “Mình đã khiến mẹ buồn”… và một cách tự nhiên, bé sẽ muốn xin lỗi bạn.
Thay vì chỉ mắng con “Không được đánh mẹ!”, “Mẹ cấm con nói mẹ ngu, nghe chưa?!”…, chỉ cần bạn thay đổi cách nói của mình, con bạn sẽ dễ dàng hiểu được việc gì là không nên.
Nhiều người thường cho rằng con vẫn còn nhỏ thì có nói gì con cũng chẳng hiểu, thế nhưng nếu bạn từ tốn nói với con bằng những từ ngữ dễ hiểu thì con sẽ hiểu được suy nghĩ của bạn. Và thay vì chỉ mình bạn nói con nghe, bạn cũng nên lắng nghe suy nghĩ của con và cùng nhau trò chuyện, điều này sẽ tốt hơn nhiều đấy.
Nguồn: Sato Maiko – World Mommy