Sốt siêu vi là chẩn đoán dùng chỉ chung tất cả những trường hợp trẻ bị sốt do nhiễm các loại siêu vi khác nhau. Hiện nay có rất nhiều loại siêu vi có thể gây sốt như sốt xuất huyết, sởi, rubella, tay chân miệng…
Trong giai đoạn ủ bệnh, hầu hết các trường hợp sốt siêu vi có biểu hiện tương đối giống nhau. Trẻ có thể có những biểu hiện không đặc thù như mệt mỏi, đau nhức mình mẩy và sau đó sốt. Biểu hiện sốt trong sốt siêu vi có thể nhẹ hoặc rất cao, liên tục hay ngắt quãng. Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm đỏ hầu họng, chảy mũi nước, nghẹt mũi, nhức đầu, đỏ mắt, ho, đau khớp, đau cơ và nổi ban da.
Trong giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có những triệu chứng đặc thù hơn của bệnh như hồng ban bóng nước, dấu xuất huyết,… hay xuất hiện những triệu chứng nặng của bệnh như hôn mê, co giật, thậm chí tử vong trong các bệnh viêm màng não, viêm cơ tim,…
Hiện nay nhiễm siêu vi chưa có thuốc đặc trị mà chỉ được điều trị hỗ trợ bằng cách nâng thể trạng của trẻ, tăng cường sức đề kháng, điều trị triệu chứng và phòng các biến chứng của bệnh.
Tuy nhiên may mắn là hầu hết các loại siêu vi gây sốt đều lành tính và trẻ thường tự khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Trong giai đoạn bệnh, điều quan trọng là cho trẻ uống thật nhiều nước, nghỉ ngơi, ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, mềm, dễ tiêu và hạ sốt cho trẻ, phòng ngừa co giật do sốt cao.
Để hạ sốt cho trẻ, quý phụ huynh có thể dùng các loại thuốc hạ sốt đường uống như Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần khi sốt trên 38 độ C, cách nhau 4-6 giờ.
Đối với những trẻ đang sốt cao trên 39 độ C thì nên nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn để tác dụng nhanh hơn.
Đối với những trẻ sốt cao trên 39,5 độ C hay đã có tiền căn co giật do sốt thì bên cạnh nhét thuốc hạ sốt cần thực hiện lau mát bằng nước ấm cho trẻ trong vòng 30 phút. Để lau mát, quý phụ huynh dùng năm cái khăn thấm nước ấm (ấm như nước dùng để tắm bé), 2 cái kẹp 2 nách, 2 cái kẹp 2 bẹn và 1 cái lau khắp người.
Trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt, phụ huynh phải bình tĩnh giữ trẻ nằm ở nơi an toàn tránh té ngã hay va đầu vào những vật sắc nhọn. Nếu được nên kê đầu trẻ bằng một gối mềm và cho trẻ nằm nghiêng sang bên để đàm nhớt chảy ra ngoài. Mọi người không nên tập trung lại quá đông mà nên mở thoáng cửa để trẻ có đủ oxy tránh ngột ngạt. Cơn co giật thường chấm dứt rất nhanh.
Quý phụ huynh cần lưu ý thời gian trẻ bị co giật (co giật trong bao lâu), các biểu hiện của co giật (co giật toàn thân hay chỉ một số bộ phận) và các triệu chứng khác như nôn ói, la sảng, tiêu chảy… để báo lại cho bác sĩ biết.
Trong cơn co giật tuyệt đối không đưa bất kỳ vật lạ nào vào miệng trẻ như que, muỗng… vì trẻ rất hiếm khi cắn lưỡi trong cơn giật, ngược lại những vật cứng có thể làm rách nướu, lưỡi của trẻ. Bên cạnh đó, quý phụ huynh cũng không được đưa chất lỏng nào vào miệng trẻ như nặn chanh vì lúc này trẻ không có phản xạ nuốt và chất lỏng có thể rơi vào đường hô hấp của trẻ gây viêm phổi.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ xét nghiệm máu để tầm soát những bệnh lý nguy hiểm như sốt xuất huyết hay nhiễm trùng huyết.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ quý phụ huynh cũng cần lưu ý theo dõi những dấu hiệu nặng của một số bệnh nhiễm siêu vi nguy hiểm để có thể sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Các dấu hiệu nặng cần lưu ý:
• Sốt cao ≥39 độ C hay sốt liên tục trên 2 ngày.
• Lừ đừ, bứt rứt, hay quấy khóc liên tục.
• Lạnh tay chân khi trẻ đã hết sốt (thường vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh).
• Đau bụng.
• Ói nhiều.
• Chảy máu bất thường: Chảy máu mũi, đi cầu phân đen, ói ra máu.
• Giật mình, chới với, hốt hoảng bất thường.
• Run giật tay chân bất thường.
Phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ
Để phòng sốt siêu vi cho trẻ, phụ huynh nên thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và các vitamin (cơm, cháo, thịt, trứng, đậu, rau củ quả, trái cây…).
– Cho trẻ sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý.
– Cho trẻ ăn chín, uống sôi.
– Thường xuyên lau dọn nhà cửa, giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ.
– Giữ vệ sinh, thường xuyên rửa tay chân cho trẻ. Không cho trẻ ngậm tay chân, đồ chơi.
– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, ra ngoài lúc mưa, nắng nóng.
– Cho trẻ ngủ mùng, diệt muỗi và lăng quăng trong và xung quanh nhà.
– Cho trẻ chích ngừa đầy đủ để phòng ngừa các bệnh sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm não Nhật Bản,…
– Nếu có trẻ bệnh ho sổ mũi cần cho trẻ đeo khẩu trang hay nếu trẻ bị tay chân miệng thì cho trẻ cách ly 10 ngày hay sốt phát ban thì cách ly từ 5-7 ngày.