Có phải bạn khen con khi bé làm được chuyện gì tốt? Điều này không sai, tuy nhiên, nếu tán dương thái quá, liệu bạn có vô tình “làm hại” bé chăng? Cùng tìm hiểu những điểm khác biệt giữa “khen ngợi” với “động viên” và xem hành động nào tốt hơn cho bé nhé!
Bất cứ khi nào bé dọn dẹp ngăn nắp đồ chơi của mình hay ăn hết bữa, bạn thường khen “Con của mẹ giỏi quá”. Hẳn bạn cho rằng khen ngợi là cách hiệu quả để dạy con ngoan và tạo dựng lòng tự trọng ở trẻ. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy việc khen trẻ có thể phản tác dụng. Đó là bởi bé nhận thấy mình cần “thể hiện” theo những gì người lớn mong đợi, hơn là vì chính ý muốn của bản thân.
Khen ngợi có phải là con dao hai lưỡi?
Nguy cơ với chuyện khen nhiều thái quá là trẻ bắt đầu chờ đợi sự thừa nhận liên tục từ bạn và có thể lo sợ khi không nghe ba mẹ khen mình. Kết quả, bé trở nên phụ thuộc vào lời khen bề ngoài hơn là phát triển động lực hoặc sự tự tin từ bên trong. Trẻ không còn thực hiện mọi việc vì bé cảm thấy đó là điều nên làm hoặc có thể làm nữa, mà thay vào đó là nhằm mục đích được người lớn thừa nhận.
Để nghe được những lời khen từ ba mẹ, trẻ con có khuynh hướng tránh bất cứ điều gì chúng không thể hoặc sẽ không làm đúng. Đây là điều không bậc phụ huynh nào mong muốn, vì bé học hỏi thông qua khám phá và thăm dò những gì mang tính thử thách. Sai sót và mạo hiểm là yếu tố rất quan trọng ở giai đoạn này.
Nếu cứ một mực xác định hành vi của mình được xem là “tốt, giỏi” vào thời điểm nhận điểm cao, hoặc bất cứ lúc nào được khen ngợi, trẻ lại thấy mình kém cỏi hơn hoặc giảm giá trị đi nếu những điều này thiếu vắng trong đời thực.
Động viên hay khen ngợi?
Dù hành động khen con đã trở thành bản năng với hầu hết chúng ta, việc học cách cổ vũ bé hơn là chỉ khen suông mới là cách tốt hơn cho sau này. Biện pháp khuyến khích tạo nên mối dây gắn bó, sự cảm thông và chấp nhận cần thiết để bé phát triển lành mạnh và vui vẻ.
Những bé được động viên cũng thường sôi nổi, tự tin và tự lập hơn. Nhờ được cổ vũ, bé có xu hướng tập trung vào các nỗ lực của mình và tin rằng bé có thể thay đổi hoàn cảnh dựa vào quyết tâm hoặc quá trình học hỏi, từ đó bé không còn lo sợ trước những khó khăn gặp phải đầu đời.
Bạn nên khen hay động viên bé yêu?
Dĩ nhiên là bạn không nên ngừng lại việc khen con. Thế nhưng khi khen bé, nên khen một cách chân thật: lời khen cần cụ thể, chẳng hạn: “Con thật là ngoan khi dọn dẹp đồ chơi mà không hề đợi mẹ nhắc gì cả” chứ đừng chung chung như: “Con của mẹ ngoan quá”. Bạn cũng nên tập trung vào khen hành động, ví dụ: “Con làm theo cách này là rất khéo léo” hơn là con người: “Con của mẹ thông minh ghê”.
Hiểu một cách đơn giản, bạn nên miêu tả rõ ràng hơn về những gì bạn muốn khuyến khích con, hơn là khen ngợi đơn thuần.
Một trong những điểm khác biệt chính giữa khen ngợi và động viên là lời khen thường đi đôi với một sự nhìn nhận hoặc đánh giá, chẳng hạn “giỏi nhất” hoặc “ngoan”. Trong khi đó, sự cổ vũ lại giúp trẻ trở nên năng nổ và tập trung vào việc theo đuổi những gì bé quan tâm, yêu thích.
Một vài khác biệt chính giữa khen ngợi và động viên
- Khen ngợi tạo dựng cái tôi giả, chẳng hạn: “Mình quá thông minh. Mình có thể làm bất cứ việc gì”, nhưng cổ vũ lại hình thành quyết tâm và tự tin: “Mình có khả năng làm nhiều thứ nếu mình chịu khó”.
- Động viên thúc đẩy tính kiên nhẫn hơn là từ bỏ nếu trẻ không đạt được thành công như mong đợi ngay từ đầu.
- Khen ngợi nhấn mạnh vào kết quả, nhưng động viên lại thừa sự cố gắng, tiến bộ và cải thiện ở trẻ.
Từ bây giờ, nếu muốn khen con vì làm tốt một chuyện gì đó, bạn nên nghĩ xem thay vì khen, mình có thể dùng lời nào để động viên bé yêu nhé! Bé sẽ thấy rất tự hào về bản thân và có thêm động lực để làm tốt hơn vào lần sau.