Nếu bé làm sai và nhận lỗi mà bạn tiếp tục giận dữ rồi răn đe, lần sau con sẽ chối bay chối biến hoặc nói xin lỗi cho xong chuyện.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm (TP HCM) về sai lầm của nhiều phụ huynh trong ứng xử với sai lầm của con khiến trẻ sợ nói lời xin lỗi và không biết cách cư xử lịch sự.
Người Việt rất ngại xin lỗi. Trẻ em thường sợ nói câu này. Và nếu ngày nhỏ sợ nói xin lỗi rồi thì lớn còn sợ hơn và càng có tuổi càng không bao giờ xin lỗi. Nhiều người chỉ nói điều này khi bị người khác ép buộc.
Bạn có biết tại sao bạn không muốn nói xin lỗi không? Là vì mỗi lần xin lỗi, chúng ta không nhận được sự cảm thông và tha thứ ngay lập tức mà tiếp tục bị giận hờn, lườm nguýt, răn dạy. Sau tiếng xin lỗi đầy khó khăn, điều bạn nhận được không phải là cái ôm đầy cảm thông, không phải là tiếng “không sao đâu” đầy thoải mái mà là khuôn mặt vẫn giận dữ và thậm chí bị chửi thêm một trận.
Chẳng hạn, khi hai người đụng nhau trên phố, nếu một người nói “xin lỗi nhé” thì rất có thể sẽ bị người kia mắng “Mày đi đứng kiểu gì thế hả?”. Vậy người ta xin lỗi để làm gì, và lần sau họ cứ trơ ra hoặc chửi lại trước khi bị chửi.
Khi hai người giận nhau, một người nói “xin lỗi em (anh)”, người kia có thể đáp: “Đấy, tôi đã bảo là anh (em/cô) sai rồi, thôi, tôi bỏ qua cho…” và thêm một tràng giải thích lòng vòng nữa mới thôi, thậm chí tháng sau còn lôi ra kể tiếp.
Ảnh minh họa: Popsugar. |
Còn đối với trẻ con thì sao? Nếu con xin lỗi mẹ, mẹ có thể nguýt con một cái rõ dài, không một tiếng cảm ơn hay một cậu khích lệ “Con tốt lắm, không sao con yêu. Rút kinh nghiệm nhé!” mà mẹ lại bắt con hứa hay đế thêm: “lần này mẹ tha, lần sau nhớ là không được làm nữa nghe chưa?”… hoặc tiếp tục thuyết giáo một tràng.
Như vậy, lần sau, đứa trẻ có hai thái độ: Một là thấy sai thì chối bay chối biến, hai là sẵn sàng nói như cái máy: “Con xin lỗi mẹ lần sau con không dám như vậy nữa”… và mai lại thực hiện tiếp hành vi đó! Vì sao vậy? Vì con không thấy tình yêu của mẹ nữa, không thấy sự cố gắng của mình được đáp lại.
Vậy bố mẹ nên có thái độ thế nào mới đúng? Dạy con xin lỗi cũng đồng nghĩa với dạy con tha thứ. Khi con đã hiểu ra vấn đề, đã chịu trách nhiệm rồi, bạn đừng qua loa với lỗi lầm của con, đừng đánh chửi con nhưng cũng đừng kêu con xin lỗi lấy lệ rồi thôi. Hãy nhẹ nhàng nhìn vào lỗi của con mà nhắc con sửa sai, sau đó cho con xin lỗi và cuối cùng là khích lệ con.
Chẳng hạn, một hôm con đánh rơi bình nước, thay vì hét lên với con, bạn chỉ cần nhẹ nhàng bảo con dọn đi. Đừng qua loa. Nếu con không dọn thì mẹ đứng đó đến khi con đồng ý dọn. Khi con đã đồng ý dọn thì mẹ hướng dẫn con. Sau khi làm xong, nếu con xin lỗi, mẹ hãy mỉm cười với con và gật đầu chấp nhận một cách bao dung. Nếu được, mẹ hãy khen con giỏi và nhớ cười với con. Vậy thôi, nhẹ nhàng mà cương quyết, việc sửa sai cần làm đến cùng nhưng lòng vị tha cũng sẵn sàng đón đợi con.
Nếu ai đó làm bạn buồn, họ đã xin lỗi thì trong lòng bạn dù còn giận thì cũng phải hiểu rằng họ đã cố gắng lắm rồi nên đừng làm khó họ nữa, huống chi có thể trong việc đó cũng có một phần do lỗi của mình. Đừng lúc nào cũng coi mình như một nạn nhân.
Hơn hết, dễ thương với nhau là một nét đẹp văn hoá. Đó là hành động vì hoà bình. Đứa trẻ ngoài việc học cho đi lời xin lỗi còn biết luôn tha thứ và được tha thứ.
Cái tư thế mình là nạn nhân, đó không phải lỗi của mình, mình bị người ta đối xử thế… hoàn toàn không có thật. Không có thứ gì là vô tình xảy ra trong đời bạn cả. Mọi thứ đều có nguyên nhân. Vậy thì hãy tin rằng khi mình rộng lượng thì sẽ có bao nhiêu thứ tươi đẹp đến với mình.
Hôm nay, khi tôi đi ăn khuya, có cô bé dọn bàn lỡ tay làm đổ nước ra bàn. Em xin lỗi rối rít, tôi chỉ nhẹ nhàng bảo: “Có gì đâu. Em phục vụ rất tốt. Chị cảm ơn em!”. Cô bé tròn xoe mắt. Tôi nhìn em cười. Tôi tin dễ thương không bao giờ thừa. Tôi tin em sẽ vui, tôi cũng vui. Dễ thương không chỉ đem đến niềm vui ở ai đó mà đem cả niềm vui cho mình. Và nếu mọi người đều như thế, ta sẽ có tiếng cảm ơn và xin lỗi dễ dàng hơn và xuất phát từ đáy lòng.
Nguồn: Catherine Yến Phạm/VN Express