Dạy con ngoan bố mẹ nào cũng muốn nhưng không phải ai cũng biết cách và đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng con trong suốt thời thơ ấu nhiều vấp ngã về tính cách. Không cần đao to búa lớn, dạy con đôi khi chỉ cần dí dỏm là được.
Để dạy con ngoan theo một chuẩn mực nhất định nào đó của xã hội và quan điểm của gia đình vốn là điều khó khăn. Mỗi đứa trẻ sinh ra là một tờ giấy trắng, chính cách sống cũng như tác động xã hội tạo ra tính cách. Chính các chuyên gia tâm lý cũng phải rất khéo léo khi đưa ra những lời khuyên nào đó với cha mẹ.
Áp dụng kiến thức từ sách vở kết hợp với sự hóm hỉnh và cách tạo tình huống bất ngờ sẽ giúp việc giáo dục con cái trở nên dễ dàng hơn. Mới đây tờ QQ đã đăng tải câu chuyện dạy con đặc biệt của ông bố thông qua 3 lần ăn mì.
Lần thứ nhất
Vào buổi sáng, người bố chuẩn bị 2 tô mì, một tô phía trên có trứng còn một tô thì không. Đặt 2 tô mì xuống bàn, bố hỏi con muốn ăn bát mì nào, cậu con trai không ngần ngại đáp:
- Con ăn bát có trứng kia
- Con nhường cho bố được không? Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê cho anh trai, còn con đã 10 tuổi rồi!
Cậu con trai nhất quyết không chịu nhường, khi bố hỏi lại: “Con thật sự không nhường?”, cậu bé kiên quyết trả lời: “Con không nhường!” rồi ăn một nửa miếng trứng.
Người bố hết sức bất ngờ nhưng vẫn nhẫn nại hỏi con lần cuổi: “Con sẽ không hối hận chứ?”. Cậu bé liền ăn nốt miếng trứng còn lại và trả lời: “Con không hối hận!”.
Người bố lặng lẽ chờ con ăn xong mới bê bát mì còn lại lên ăn, phía dưới bát mì có tận 2 quả trứng và bé trai cũng vừa mới nhận ra điều đó. Người bố chỉ vào bát rồi nghiêm túc nói với con trai: “Con hãy nhớ rằng, kẻ muốn kiếm lời từ người khác, mãi mãi sẽ không kiếm được lợi lộc gì”.
Lần thứ hai
Vào một buổi sáng đẹp trời khác, người bố tiếp tục lặp lại việc làm 2 tô mì, một tô có trứng ở trên, một tô không có và tiếp tục hỏi con chọn tô mì nào. Lần này, cậu bé đáp: “Con đã 10 tuổi rồi, con nhường trứng cho bố!”.
Bố hỏi lại: “Con không hối hận chứ?”, cậu con trai cũng vẫn kiên định đáp: “Con không hối hận”. Tới khi ăn hết tô mì không thấy trứng, cậu bé thất vọng. Thì ra tô mì còn lại không chỉ một quả trứng bên trên mà bên dưới vẫn còn một quả trứng nữa.
Lúc này, người bố lại chỉ vào quả trứng, nói: “Muốn chiếm lợi ích của người khác, rồi cũng có khi phải chịu thiệt”.
Lần thứ ba
Để một thời gian dài sau, ông bố lại lặp lại tình huống ban đầu. Cậu bé lần này đáp “Khổng Dung nhường lê thì con cũng nhường mì, bố là bậc trưởng bối, mời bố ăn trước!”.
“Vậy bố không khách khí nhé”, nói rồi người bố bắt đầu ăn tô mì có trứng. Cậu con trai cũng bình thản ăn tô không trứng còn lại. Đến cuối bát, cậu bé bất ngờ phát hiện ra trong tô của mình có một quả trứng. Lúc này, người bố mới tỏ vẻ hài lòng và nói với con một cách đầy ẩn ý: “Người không màng đến kiếm lợi riêng cho bản thân, rồi cuộc đời cũng sẽ không để họ chịu thiệt thòi”.
Ông bố đã mượn điển tích Khổng Dung nhường lê để dạy con trai.
Chuyện kể rằng Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, 7 tuổi đã biết nhường những quả lê ngon cho bố mẹ và anh em còn mình lấy quả lê nhỏ và xấu nhất. Chuyện này có ghi trong sách Tam Tự Kinh là sách vỡ lòng của trẻ con thời xưa tại Trung Quốc.
Cuộc sống luôn đặt ra cho mỗi người nhiều lựa chọn, có lúc vì lợi ích trước mắt mà đưa ra quyết định sai lầm. Phải thật bình tĩnh và không đặt lợi ích cá nhân lên trên mới có được trái ngọt sau đó.