Chế độ dinh dưỡng trong những năm tháng đầu đời ảnh hưởng rất lớn tới thể trạng cũng như tinh thần của mỗi người sau này. Trong thời đại thông tin hiện nay, mọi người được tiếp cận với nhiều phương pháp nuôi dạy trẻ từ truyền thống tới hiện đại.
Nhưng rất nhiều trong số đó chỉ là sản phẩm của TRUYỀN THÔNG và QUẢNG CÁO. Nếu không có hiểu biết đúng đắn, các ông bố bà mẹ rất dễ rơi vào tình trạng “loạn phương pháp”: hễ được nghe, được biết, được quảng cáo, được “kiểm chứng khoa học” sản phẩm nào tốt cho trẻ là lập tức bắt con sử dụng mà không hề nhận thức được những tác hại lâu dài có thể gây ra cho trẻ. Những tác động này thường không thể hiện ngay trong những năm đầu đời nhưng để lại di chứng sâu rộng trong những năm tháng sau này.
Đó có thể là vấn đề về thể chất như: rối loạn tiêu hoá, béo phì, dậy thì sớm, nghiêm trọng hơn là các bệnh về tim, gan, thận… Hoặc cũng có thể là những vấn đề về tinh thần như: trầm cảm, tự kỷ, rối loạn cảm xúc… Đa số mọi người đều không ý thức được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với những căn bệnh trên. Nguyên liệu xây dựng nên cơ thể con người lấy từ món ăn thức uống hàng ngày. Do đó chế độ dinh dưỡng là yếu tố chủ chốt để tạo nền móng cho sức khoẻ và hạnh phúc của con trẻ sau này. Vậy làm thế nào để trẻ có đủ những chất dinh dưỡng cần thiết và chế độ ăn nào giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh nhất ?
Khác với nhiều phương pháp khác dựa vào những sản phẩm nhân tạo, Thực dưỡng xây dựng một chế độ ăn dưỡng sinh hoàn toàn dựa trên những nguyên liệu thiên nhiên. Nền móng của Thực dưỡng có thể tìm thấy trong mọi nền văn hoá lâu đời. Đây là phương thức giúp con người phát triển tự nhiên và cân bằng nhất. Trẻ em được nuôi dạy theo Thực dưỡng thường có suy nghĩ độc lập, khả năng tự chủ tốt và ý chí mạnh mẽ trong vẻ ngoài diềm đạm, hiền lành
Thực dưỡng là một phương pháp rất linh hoạt, bạn có thể sáng tạo món ăn bằng nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới. Điểm cơ bản của thực dưỡng là bữa ăn được xây dựng với thực phẩm chính gồm ngũ cốc lứt (ngũ cốc nguyên cám) và các sản phẩm từ ngũ cốc. Đó là điểm bắt đầu của thực đơn, sau đó bạn có thể kết hợp thêm các thức ăn phụ như rau củ, các loại đậu, cá cùng nhiều gia vị khác. Tất cả nguyên liệu sử dụng nên có nguồn gốc tự nhiên, tốt nhất là những sản phẩm sạch được nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ (organic food). Hấp thụ những sản vật của thiên nhiên là cách giúp bạn bày tỏ lòng biết ơn với tạo hoá và gia tăng kết nối giữa cơ thể và tự nhiên.
Thay đổi lối sống bằng thực dưỡng biến bạn thành người quyết định tới sức khoẻ và hạnh phúc của bạn cũng như cả gia đình. Đừng vội vã, hãy thực hiện thay đổi một cách từ từ. Điều này giúp mọi người dễ dàng thích nghi hơn, đaực biệt là trẻ em. Thay vì cắt giảm những thức ăn hiện tại, hãy thêm vào bữa ăn các thành phần mới. Bắt đầu bằng tăng tỷ lệ ngũ cốc lứt trong thực đơn (nếu con bạn không chịu ăn gạo lứt, hãy mua cám gạo trộn chung với gạo xát trắng, con bạn hoàn toàn không thể nhận ra được!), đồng thời cố gắng sử dụng các thực phẩm hữu cơ (organic food) càng nhiều càng tốt. Hãy nhìn vào thành phần của thức ăn mà bạn mua. Thử chọn những thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên chẳng hạn sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, mạch nha thay vì đường tinh luyện; dầu ăn chưa qua tinh chế (unrefined oil – ví dụ dầu dừa, dầu vừng ép thủ công); muối biển thay vì muối tinh… Không nên quá đắn đo trong việc lựa chọn, bạn có thể chọn sai nhưng qua thời gian, bạn sẽ có kinh nghiệm để nhận ra đâu là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ của gia đình bạn.
Cho trẻ ăn mới là thử thách thật sự. Bạn không nên quá nghiêm khắc và cứng nhắc trong việc xây dựng chế độ ăn cho trẻ nhỏ. Nếu bạn bắt trẻ ăn theo một thực đơn quá chặt, chúng sẽ tự tìm những mùi vị mới vào những lúc bạn không kiểm soát được. Hãy nhớ trẻ em rất tò mò trước những điều mới lạ. Chúng cũng muốn là một phần trong đám đông, đừng biên con bạn trở nên quá khác biệt với những đứa trẻ khác. Vì vậy nên thoải mái một chút trong việc lựa chọn đồ ăn cho trẻ, chỉ nên loại bỏ những món ăn mà bạn biết chắc chúng hoàn toàn có hại.
Thay vì cấm đoán, hãy khởi đầu bằng việc kiến tạo một thói quen tốt cho trẻ. Thiết lập thói quen sẽ giúp trẻ dần dần nhận thức rõ các ranh giới. Hãy cho trẻ ăn, tắm và ngủ vào giờ giấc cố định. Khi trẻ lớn hơn, nên cho trẻ ăn cùng các thành viên khác trong gia đình.
Trẻ em thường có xu hướng tự tạo cân bằng. Chúng có thể cực kì ưa thích cà rốt trong vài tuần sau đó thì hoàn toàn lãng quên nó. Chúng có thể thích súp lơ nấu theo một cách duy nhất và ghét tất cả các cách chế biến khác. Hãy kiên nhẫn, sáng tạo và đưa ra nhiều sự lựa chọn cho trẻ. Trẻ em học rất nhiều nhờ quan sát người lớn. Nếu chúng thấy bạn thưởng thức ngon lành bữa ăn đã được chuẩn bị, chúng sẽ ngoan ngoãn làm theo.
Sẽ không tốt khi hỏi con bạn muốn ăn gì và để chúng lựa chọn. Chúng không có nhiều sự sáng tạo trong ăn uống và sẽ đòi hỏi một món chúng thích từ bữa này sang bữa khác. Điều đố sẽ tạo nên những cuộc tranh cãi dai dẳng về bữa ăn. Một phương thức tốt hơn là khuyến khích trẻ cùng chuẩn bị món ăn với mẹ. Ngay khi còn nhỏ, bé cũng có thể giúp bạn dọn bàn ăn hoặc cắt những món ăn mềm bằng dao nhựa.
Phương pháp thực dưỡng giúp con bạn tiếp cận và yêu thích những thực phẩm thiên nhiên, tạo một nền móng vững chắc cho sức khoẻ của bé sau này. Hãy thử nghiệm và cảm nhận những sự thay đổi đến với trẻ sau 1 tuần trải nghiệm với chế độ ăn thực dưỡng tại Iris Preschool
Một vài gợi ý để bắt đầu sự thay đổi:.
– Thưởng thức bữa ăn cùng cả gia đình.
– Ăn ngũ cốc và rau củ trong tất cả bữa ăn.
– Sử dụng ngũ cốc, rau củ, gia vị được nuôi trồng bằng phương pháp hữu cơ.
– Không ăn gì trong khoảng thời gian 3 giờ trước khi ngủ.
– Nên ưu tiên cá hơn thịt gia súc hay gia cầm.
– Nên sử dụng các chất tạo ngọt tự nhiên như mạch nha, mật ong hoặc sử dụng đường thô.
– Thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật từ các loại đậu như đậu đỏ, đậu gà, đậu lăng, đậu tương (đậu phụ, miso, tamari, natto, tempeh…).
– Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chất kích thích, kể cả trà xanh hay cà phê. Có thể thay thế bằng các loại trà thực dưỡng và cà phê ngũ cốc.