Ngày 24.8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, số mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và tăng cao trong thời gian tới, do đang là mùa dịch và học sinh bước vào năm học mới.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2017 đến nay, tại 63 tỉnh, thành đã ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Bệnh Tay, Chân, Miệng là gì?
Bệnh tay, chân, miệng (HFMD) là một bệnh nhẹ kéo dài trong thời gian ngắn do một loại virus có khả năng lây lan cao gây ra. Hệ miễn dịch của chúng ta đủ sức để chống lại bệnh này – hầu hết những người bị bệnh có thể bình phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay, chân, miệng lây lan khi bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với các loại virus truyền nhiễm gây bệnh. Các loại virus này được tìm thấy trong dịch mũi và cổ họng (nước bọt, đờm, hoặc nước nhầy ở mũi), dịch ở chỗ phồng rộp hoặc trong phân của người bệnh. Các virus có thể lây lan khi những người khoẻ mạnh tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật do người bị nhiễm bệnh chạm vào.
Tóm tắt triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng. Thời gian này được gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Những triệu chứng sớm của bệnh tay chân miệng gồm:
– Sốt cao – thường khoảng 38-39°C.
– Chán ăn.
– Ho.
– Đau bụng.
– Đau họng.
Đôi khi, bệnh tay chân miệng có thể gây nôn, nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra. Những triệu chứng sớm này có thể kéo dài 12-48 giờ.
Loét miệng: Sau 1 hoặc 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng, nhất là quanh lưỡi, lợi và mặt trong má.
Đầu tiên, những nốt này có kích thước bằng chiếc cúc áo nhỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng-xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường sẽ có từ 5-10 vết trong miệng.
Những vết này có thể rất đau khiến trẻ khó ăn, uống và nuốt, khiến trẻ rất khó chịu và quấy khóc. Những vết loét miệng này sẽ hết trong vòng 5-7 ngày.
Nổi ban trên da: Rất nhanh sau khi các nốt loét trong miệng xuất hiện, sẽ thấy nổi những nốt nhỏ màu đỏ trên da của trẻ.
Những vị trí hay gặp những nốt này nhất là ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thỉnh thoảng gặp ở mông và háng. Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Những nốt này thường không đau và không ngứa, mặc dù chúng có thể trở thành những mụn nước nhỏ, đôi khi gây đau và tức. Điều quan trọng là không được làm vỡ những nốt này, vì có thể khiến bệnh lây lan.
Các nốt ban trên da và mụn nước có thể kéo dài tới 10 ngày.
Lời khuyên phòng tránh
Tẩy uế!
Bệnh tay, chân, miệng rất dễ lây lan, vì thế hãy tảy rửa và tẩy uế các khu vực trong nhà và các bề mặt bao gồm đồ chơi và núm vú giả của trẻ.
Vệ sinh chân tay!
Không có vác-xin phòng bệnh tay, chân, miệng – vì thế bạn phải tự phòng bệnh. Hãy rửa tay thường xuyên hơn! Rửa tay bằng xà phòng hoặc gel sát khuẩn tay – đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã giấy cho trẻ hoặc trước khi ăn – sẽ cải thiện vệ sinh chân tay và ngăn virus không lây lan sang người khác.
Không chung đụng!
Nếu trong nhà có ai đó bị bệnh này, hãy tránh tiếp xúc với họ nếu có thể – và không dùng chung khăn tắm, dao kéo hoặc đồ uống.
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí/ Lifebuoy Vietnam.