Bố mẹ có biết rằng vì yêu chiều con mà bố mẹ đang vô tình mang “căn bệnh” dậy thì sớm đến gần hơn với con bằng những món ăn thơm ngon, hấp dẫn hàng ngày.
Trước thực trạng trẻ biếng ăn, không thích thú với những thực phẩm bổ dưỡng, các bậc phụ huynh thường tìm đủ mọi cách để bổ sung năng lượng cho con bằng những đồ ăn sẵn, đồ hộp, thực phẩm có nguồn gốc không lành mạnh hay các loại thức phẩm chức năng để con chóng lớn một cách “thần thánh” như lời quảng cáo. Bố mẹ có biết rằng vì yêu chiều con mà bố mẹ đang vô tình mang “căn bệnh” dậy thì sớm đến gần hơn với con bằng những món ăn thơm ngon hấp dẫn hàng ngày.
Thực phẩm chứa caffein và chất tạo vị ngọt
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ, sử dụng nhiều đồ uống có chứa hàm lượng caffein cao là một trong những thủ phạm gây ra dậy thì sớm ở bé gái.
Một nhóm các nhà khoa học khác cũng đã tiến thành theo dõi quá trình phát triển của 1988 bé gái có chủng tộc khác nhau trong vòng 10 năm. Kết quả cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa các loại đồ ăn, thức uống chứa caffein hay chất tạo vị ngọt giả với việc có kinh nguyệt sớm.
Đặc biệt, các loại thực phẩm này ảnh hưởng đến tất cả các bé gái, không phân biệt chủng tộc hay gen di truyền.
Hãy tham khảo hàm lượng caffeine trong một số loại thực phẩm phổ biến sau để hạn chế việc tiêu thụ quá mức ở trẻ: Coca cola (340g, tương đương một lon hoặc một chai loại 330ml) có 34mg caffeine, Pepsi (340g): 38mg, Red Bull (340g): 80mg, Trà chanh Iced tea (340g): 70mg, Trà đen (170g): 70mg, Trà xanh (170g): 35mg, Cà phê đã pha chế (141g): 115mg, Cà phê uống liền (200g): 85mg, Cà phê pha máy (57g): 100mg, Sôcôla đen (28g): 20mg, Sôcôla sữa (28g): 10mg.
Nước ngọt
Xuất bản trên tạp chí Human Reproduction, một nghiên cứu khác cho thấy uống nước ngọt có đường cũng liên quan đến tình trạng có kinh nguyệt sớm ở trẻ em gái. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tình hình của 5583 bé gái trong độ tuổi từ 9 – 14. Trong đó, có các bé gái thường xuyên uống nước ngọt đóng chai, cũng có các bé chỉ uống nước ép hoa quả hay trà xanh.
Kết quả cho thấy những bé uống nước ngọt nhiều hơn 1,5 lần so với các bé khác thì có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn 24%.
Rau củ trái mùa
Các loại rau quả trái mùa như dâu tây, nho, dưa hấu, cà chua… được thu hoạch vào mùa đông hay các trái cây thu hoạch trước mùa xuân như táo, đào, cam… đa phần là những loại thực phẩm được “thúc chín”.
Việc trồng rau quả trái mùa và ép trái cây phải chín bằng chất hóa học sẽ để lại tồn dư chất độc này trong rau củ trái cây, trẻ em ăn vào sẽ tạo ra nguy cơ mắc bệnh dậy thì sớm.
Rau quả trái mùa “ngậm” chất hóa học để chín ép (Ảnh minh họa)
Tất cả các loại rau củ quả quá tươi ngon so với bình thường cũng cần tránh cho trẻ ăn. Bất kỳ món nào sử dụng chất kích thích đều là nguyên nhân khiến cho trẻ “lớn” trước tuổi một cách đáng sợ.
Thức ăn nhanh, đồ chiên rán
Trẻ nhỏ rất thích những loại thức ăn nhanh, đặc biệt là đồ chiên, rán. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Thức ăn chiên nhiều lần và chế biến ở nhiệt độ cao dễ chuyển hóa thành chất béo và các chất độc hại. Tích tụ lâu ngày và tăng dần về lượng sẽ gây thừa cân, béo phì, rối loạn nội tiết tố, dậy thì sớm và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Đồ ăn nhanh gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé
(Ảnh minh họa)
Sở dĩ trẻ béo phì dễ dậy thì sớm là do một loại hormon, kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể, đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Do đó, những cô bé thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn. Hơn nữa, việc người mẹ tăng cân nhanh trong thai kỳ có liên quan đến bệnh béo phì của con họ và đây cũng là nhóm trẻ có nguy cơ dậy thì sớm.
Sản phẩm kích thích tăng trưởng
Phần lớn các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, sữa bột, sữa tươi được quảng cáo phát triển chiều cao hay phát triển trí thông minh… đều tiềm ẩn các thành phần thúc đẩy tăng trưởng rất mạnh, gây mất cân bằng nội tiết tố, có nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ. Điều nguy hiểm hơn, khi cho con dùng các loại sản phẩm này, bố mẹ sẽ ngộ nhận sự tăng trưởng của trẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc là trẻ chỉ phát triển sớm hơn các bạn trong giai đoạn uống thuốc trước dậy thì, sau đó thì sẽ chững lại và không lớn nữa.
Sử dụng tùy tiện “siêu” thực phẩm
Một số gia đình có điều kiện thường muốn tẩm bổ cho con mình những thứ tốt nhất. Vì vậy, những món “siêu” thuốc bổ vốn chỉ dành cho người lớn cũng được phụ huynh cho con nhỏ sử dụng như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, tổ yến, sữa ong chúa, sa sâm…
Sữa ong chúa rất tốt cho sức khỏe nhưng không dành cho trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia Đông y, những thuốc bổ đặc biệt này, đều sẽ có những tác động lớn đến môi trường nội tiết bình thường, dẫn đến sự phát triển mất cân bằng về thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Các món nội tạng động vật
Cho trẻ ăn các món canh hay súp chế biến từ nội tạng động vật phải đặc biệt lưu ý về số lượng, trọng lượng và chủng loại. Bởi vì cho ăn quá nhiều nội tạng sẽ biến thành một món ăn “kích thích” phát triển ở mức độ cao.
Khi đó, món ăn chứa hormon tuyến giáp, tuyến sinh dục nên sẽ được chuyển hóa vào cơ thể trẻ, tạo ra một liều thuốc thúc đẩy dậy thì sớm vô cùng nhanh chóng.
Đồ ăn nhiều muối
Trên tạp chí Medical Hypotheses gần đây, một nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc ăn nhiều muối và dậy thì sớm ở các bé gái đã được công bố. Các nhà khoa học khẳng định rằng chế độ ăn nhiều muối có thể dẫn đến dậy thì sớm vì lượng muối cao sẽ kích hoạt một hormone tên là neurokinin B có liên quan tới sinh sản.
Thêm vào đó, nhiều muối ảnh hưởng đến hormone kích hoạt sự rụng trứng và progesterone.
-Theo Afamily-